Bối cảnh Trận_Torgau

Tháng 6 năm 1760, quân chủ lực Áo mở cuộc tấn công vào tỉnh Schlesien trên biên giới Phổ-Áo.[6] Quân đồng minh ban đầu chiếm được một số huyện và thị trấn phía nam Schlesien, nhưng đà tiến của họ bị chùn lại khi vua Phổ Friedrich II đè bẹp cánh quân Áo của tướng Ernst von Laudon trong trận Liegnitz ngày 16 tháng 8.[7] Quân chủ lực Áo lui về hướng nam Schlesien, và tại đây thống chế Áo Leopold von Daun đã bố trí lực lượng trên một địa hình rừng rậm hiểm trở, khiến Friedrich không dám triển khai tấn công chiếm lại vùng phía nam Schlesien.[8] Trong lúc quân chủ lực Phổ và Áo đang chôn chân ở Schlesien, một lực lượng liên minh Nga-Áo gồm 33 nghìn quân của Franz von LacyGottlieb Heinrich Totleben đã đánh thốc vào thủ đô Berlin. Liên quân Nga-Áo đã chiếm được Berlin sau những trận đánh từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 10 năm 1760.[9] Sau khi nhận tin Berlin thất thủ, Friedrich II vội vã điều quân từ Schlesien về cứu thủ đô. Động thái này buộc quân liên minh rút bỏ Berlin vào ngày 11 tháng 10. Quân Nga lui về Ba Lan và không còn hoạt động quân sự lớn nào trong năm 1760.[10][11]

Cục diện ở Sachsen

Sachsen là một nước chư hầu của Áo trong Đế quốc La-Đức, đã bị quân đội Phổ thôn tính từ năm 1756.[12] Năm 1759, quân đội La-Đức đã chiếm lại thủ phủ Dresden cùng một số vùng khác ở miền nam Sachsen. Từ đây, đầu tháng 8 – tháng 10 năm 1760, 35 nghìn quân La-Đức của tướng Zweibrücken-Birkenfeld phát triển tấn công vào Sachsen và đánh bại quân 12 nghìn quân Phổ do trung tướng Johann von Hülsen chỉ huy.[13][14] Với nguồn tài lực, vật lực dồi dào của mình, Sachsen là một địa bàn rất quan trọng cho việc nuôi sống quân đội và kinh tế Phổ thời chiến.[13][11][15] Vì lẽ đó, bộ chỉ huy Áo quyết định tập trung phần lớn binh lực đánh chiếm Sachsen vào tháng 10 năm 1760[16].[17][15] Ngay sau khi Friedrich rời khỏi Schlesien, Daun đã giao cho Laudon cầm 3 vạn quân trấn giữ phía nam Schlesien, rồi Daun tự mình đem 35 nghìn quân sang đánh Sachsen. Ngày 13 tháng 10, Daun vượt biên ải Schlesien – Sachsen; 9 ngày sau đó ông ta hội quân với 18 nghìn quân của Lacy vừa rút khỏi Berlin, nâng quân số quân đội Áo ở Sachsen lên 53 nghìn người và 275 đại bác. Bộ chỉ huy Áo dự định chiếm phần lớn Sachsen trong mùa đông năm 1760[17].[11][15]

Friedrich II và Ziethen trong đêm trước trận Torgau, tranh của Bernhard Rode.

Friedrich kiên quyết không để mất các lãnh thổ trù phú của Sachsen; và do vậy, ông ta hành quân cấp tốc về Sachsen ngay sau khi quân địch rời khỏi Berlin.[17][15][11] Ngày 22 tháng 10, Friedrich đến bờ đông sông Elbe; quân của Zweibrücken lúc đó đang đóng trại trên bờ tây, nhưng họ chưa đánh đã vội chạy về Düben.[14] Ngày 26 tháng 10, Friedrich vượt sông Elbe và hội quân với Hülsen, nâng quân số quân chủ lực Phổ lên 48500 người và 246 đại bác[15][1]. 3 ngày sau, Friedrich xua quân đánh vào Düben, buộc quân đội La-Đức phải chạy tới Leipzig. Đến ngày 30 tháng 10, quân đội Phổ đã chiếm được Leipzig, quân đội La-Đức rút lui vào Mähren (Áo) và coi như bị loại khỏi chiến trường Sachsen. Quân đội Áo cũng lui từ Eilenburg về cố thủ pháo thành Torgau trên hướng tây bắc Sachsen.[14] Tại đây, Daun đã phân bố quân chủ lực của mình trong một tuyến phòng thủ kiên cố trên cao nguyên Süptitz phía tây Torgau. Ông ta cắm quân chính diện đằng sau một mạng lưới ao hồ và vũng lầy chằng chịt phía nam cao nguyên. Trong khi đó, cánh phải (cánh tây) của Áo được bố trí trên khu vực cao nhất của cao nguyên, nằm về hướng bắc làng Süptitz và tiếp giáp với khu rừng rậm Dommitscher ở phía tây; còn cánh trái (cánh đông) được đặt tiếp giáp với hồ Grosse Teich.[18][11]. Trên hướng đông trận địa, Daun bài trí binh đoàn của Lacy trên vùng đồng bằng giữa cao nguyên với Torgau để bảo vệ đường rút của người Áo.[19]

Trong các ngày 2 – 3 tháng 11, Friedrich tiến quân về Torgau với hy vọng sẽ đánh bại quân đội Áo bằng một trận quyết chiến và thu hồi toàn bộ Sachsen.[14] Sau khi nghiên cứu địa hình khu vực, Friedrich nhận định rằng cả việc tấn công trực diện lẫn tấn công ngang sườn đều bất khả thi. Do đó nhà vua đem 32 nghìn quân bí mật đi xuyên qua các rừng Dommitscher sau đó vòng lên mạn bắc và đột kích vào lưng phòng tuyến địch. Friedrich tiên liệu rằng đoàn quân của ông sẽ áp sát hậu quân Áo vào cuối trưa ngày 3 tháng 11. Đồng thời, để thu hút sự chú ý của người Áo khỏi cánh tây, Friedrich ra lệnh cho thượng tướng kỵ binh Hans Joachim von Ziethen đem 18 nghìn quân đánh nghi binh vào cánh đông của Áo tại thời điểm cuối trưa ngày 3 tháng 11[18].

Liên quan